Khu phố Latinh là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Paris và ngày càng được nhiều người quan tâm. Như đã từng nói trong nhiều bài viết, khám phá Paris bằng cách đi dạo, lang thang, thật sự chìm đắm vào những rung cảm của con người nơi đây là cách O'bon Paris yêu thích nhất. Chính vì thế, nhóm đã thiết kế một đoạn đường đi bộ ngắn, chỉ khoảng 30 phút để giúp bạn khám phá một số địa điểm mang tính biểu tượng nhất của một khu vực. Điểm đến đầu tiên chúng mình muốn dẫn các bạn đi đến là khu Latinh, một trong những khu vực đậm chất Paris nhất. Tất nhiên, bạn có thể bỏ nhiều thời gian tìm hiểu hơn và đi dạo lâu hơn xung quanh vì thật sự, càng đi càng nhiều điều thú vị sẽ được khám phá.
Nguồn gốc của cái tên có từ thời Trung cổ. Tại đây, trường đại học Paris được mở ra vào năm 1150 (là trường đại học lâu đời thứ ba ở châu Âu, sau Bologna và Oxford). Cho đến thế kỷ XVIII, hầu hết chương trình học đều được giảng dạy bằng tiếng Latinh ở Pháp và Châu Âu: đó là lý do tại sao khu vực quanh trường trở thành "Quartier Latin" - Khu phố Latinh. Từ thời điểm đó, Quartier Latin được coi là khu trí thức, nơi người ta có thể tìm thấy rất nhiều thư viện, trường đại học, hiệu sách... Đó cũng là lý do người Paris xưa có câu "sur la Rive Gauche on pense, sur la Rive Droite on dépense" (tạm dịch: Chúng ta tư duy, lên ý định ở tả ngạn, chi tiêu thì đến hữu ngạn).
Hành trình đi bộ bắt đầu từ ga tàu điện ngầm Cardinal-Lemoine (Tuyến tàu điện ngầm số 10). Từ đó, bạn đi theo rue du Cardinal Lemoine. Đừng ngạc nhiên về độ dốc của con phố vì thực sự, bạn đang leo lên "Montagne Saint Geneviève", một ngọn đồi nhìn ra tả ngạn sông Seine.
Dừng lại một chút ở số 65. Tòa nhà trang nhã này từng là Collegium Scoticum (Cao đẳng Scots), được thành lập vào năm 1333. Đây là một trong số các trường cao đẳng quốc gia, dành riêng cho sinh viên Scotland tại Đại học Paris và là nơi sinh viên Scotland có thể ở lại. Từ thời Trung cổ trở đi, nhiều sinh viên nước ngoài đến học ở Paris! Đó cũng là lý do trên đỉnh cửa sổ phía trên của tòa nhà, bạn có thể nhìn thấy cây thánh giá Scotland.
Rue Clovis rẽ phải, bạn có thể nhìn thấy phần còn lại của bức tường Philippe II Augustus, được xây dựng kiên cố vào đầu thế kỷ XIII. Đây đã từng là điểm kết thúc của Paris (vào thời điểm đó thành phố chỉ có 80 000 dân, nhưng đã là thành phố lớn nhất ở Châu Âu). Phần lớn bức tường đã bị phá hủy khi thành phố mở rộng trong thế kỷ XVI.
Bạn có thể nhìn thấy tháp chuông (được gọi là tour Clovis) của Tu viện hoàng gia cũ của St Genevieve. Sau cuộc cách mạng Pháp, nơi này trở thành Lycée Henri-IV, một trường trung học phổ thông công lập danh tiếng, với các cựu học sinh nổi tiếng như Michel Foucault, Jean-Paul Sartre, hay Emmanuel Macron.
Trước khi đến quảng trường Pantheon, bạn có thể thấy ở phía bên phải của mình là nhà thờ Saint-Etienne du Mont, một sự pha trộn rất độc đáo giữa phong cách Gothic Flamboyant và phong cách Phục hưng. Đừng ngần ngại tham quan bên trong nhà thờ, bạn sẽ không phải thất vọng. Thiết kế bên trong cũng như những vách ngăn được chạm khắc tinh xảo. Bạn cũng có thể tìm thấy bên trong chiếc đại phong cầm, có từ năm 1631, lâu đời nhất ở Paris.
Ở phía bên kia của nhà thờ (Rue de la Montagne Sainte Geneviève), có một cầu thang nhỏ dẫn đến lối vào bên hông của nhà thờ. Nơi này có gợi lại cho bạn điều gì không?
Đây thực sự là một trong những địa điểm mang tính biểu tượng nhất của bộ phim Midnight in Paris (Woody Allen), nơi Gil (Owen Wilson) đợi chiếc xe đưa anh về những năm 1920 khi đồng hồ điểm nửa đêm.
Place du Pantheon là một địa điểm tuyệt vời, nơi nhiều sinh viên từ các trường đại học gần đó đến để nghỉ ngơi, thư giãn. Địa điểm này không thay đổi nhiều, như bạn có thể thấy từ tấm bưu thiếp đầu thế kỷ XX này:
Bibliothèque (Thư viện) Saint Geneviève là một trong những nơi được sinh viên yêu thích nhất: được xây dựng từ năm 1838 đến năm 1851, thư viện chứa khoảng 2 triệu tài liệu.
Mặt đứng của thư viện được khắc lên tên các học giả nổi tiếng. Nếu bạn có thể vào tham quan bên trong, phòng đọc rộng và đẹp lộng lẫy sẽ không khiến bạn thất vọng.
Tất nhiên, điểm thu hút chính khách du lịch chính trong tour là điện Pantheon. Được xây dựng từ năm 1758 đến năm 1790, với thiết kế của Jacques-Germain Soufflot, theo lệnh của Vua Louis XV của Pháp. Ban đầu, nơi này là một nhà thờ dành riêng cho Saint Genevieve (vị thánh bảo trợ của Paris). Tuy nhiên, trong cuộc Cách mạng Pháp, người ta đã quyết định biến nhà thờ thành lăng mộ cho những công dân Pháp ưu tú. Có khoảng 80 người nổi tiếng được chôn cất ở đó, chẳng hạn như Voltaire, Rousseau, Hugo, Zola, Saint-Exupery, Marie Curie. Kiến trúc của Panthéon là một ví dụ điển hình của trường phái Tân cổ điển (cảm hứng từ nghệ thuật và văn hóa thời cổ đại cổ điển). Bạn có thể ghé thăm nội thất Pantheon mỗi ngày (10 giờ sáng đến 6 giờ chiều).
Trước khi tiếp tục, nếu bạn có nhiều thời gian hơn, bạn có thể quay lại Pantheon và đi theo rue Clotaire đến Place de L'Estrapade.
Bạn sẽ tìm thấy nhiều địa điểm quay của Emily ở Paris, chẳng hạn như Boulangerie Moderne. Bạn có thể xem thêm bài viết về những địa điểm quay phim tại đây.
Hành trình tiếp tục qua Rue Soufflot (đối diện cổng chính của điện Pantheon). Từ đó, bạn có thể nhìn ra Tháp Eiffel.
Ở phía bên phải, bạn có thể nhìn thấy một trong những tòa nhà của Đại học Paris (Trường Luật).
Bạn có thể nhìn thấy tòa nhà chính của Paris Sorbonne ở con phố bên phải (Rue Saint-Jacques), và xa hơn bạn cũng có thể nhìn thấy nhà thờ Đức Bà Paris.
Mái vòm màu xanh lá cây trên đỉnh của một trong những tòa tháp của trường Đại học là Tháp Thiên văn của Sorbonne. Trên những con phố gần đó, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều hiệu sách dành cho sinh viên: tuy nhiên, do sự đắt đỏ của bất động sản ở Paris, nhiều cửa hàng (chẳng hạn như Gibert Jeune mang tính biểu tượng) phải chuyển đến các khu vực rẻ hơn.
Ở rue Soufflot, có rất nhiều sự lựa chọn để nghỉ chân trong ngày, nhiều cửa hàng cà phê đẹp, cũng như các cửa hàng kem (như Grom hoặc La Fabrique Givrée).
Nếu bạn muốn biết thêm về những cửa hàng kem ngon nhất ở Paris, hãy xem ngay bài viết chi tiết tại đây.
Địa điểm cuối cùng của chuyến đi dạo ngắn lần này nằm ở cuối Rue Soufflot, băng qua đại lộ Saint Michel và bạn sẽ tìm thấy lối vào của Jardin du Luxembourg.
Được xây dựng vào năm 1625, Palais du Luxembourg là nơi ở của Hoàng gia. Từ đầu thế kỷ XIX, tòa nhà là trụ sở của Thượng viện Pháp. Lấy cảm hứng từ vườn Boboli ở Florence, vườn Luxembourg có diện tích 25 ha với 106 bức tượng nằm rải rác, đài phun nước Medici hoành tráng và Pavillon Davioud. Vườn mở cửa từ 7:30 đến 8:15 và đóng cửa từ 16:30 đến 21:30 theo mùa. Đây là địa điểm yêu thích của cả người dân Paris và khách du lịch.
Nếu bạn còn một chút năng lượng và động lực, từ đây bạn có thể khám phá khu vực Saint-Germain-des-Près. Bấm tại đây để xem ngay bài viết về khu vực này.
Bài viết: O'bon Paris
Ảnh: Phan Thanh Thủy